Chào mừng đến với website Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang

THÔNG TIN VỀ GIÁO DỤC NGHỀ NGHIỆP VÀ CÁC CHÍNH SÁCH HỖ TRỢ ĐÀO TẠO NGHỀ NGHIỆP

Lượt xem bài viết: 1770

  1.  Thông tin chung về giáo dục nghề nghiệp

Luật Giáo dục nghề nghiệp được Quốc hội khóa XIII thông qua và ban hành tại Luật số 74/2014/QH13 ngày 27/11/2014 và hiệu lực từ ngày 01/7/2015.

1. Mục tiêu giáo dục nghề nghiệp

Mục tiêu của giáo dục nghề nghiệp là nhằm đào tạo nhân lực trực tiếp cho sản xuất, kinh doanh và dịch vụ, có năng lực thực hành nghề tương ứng với trình độ đào tạo; có đạo đức, sức khỏe; có trách nhiệm nghề nghiệp; có khả năng sáng tạo, thích ứng với môi trường làm việc trong bối cảnh hội nhập quốc tế; bảo đảm nâng cao năng suất, chất lượng lao động; tạo điều kiện cho người học sau khi hoàn thành khóa học có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm hoặc học lên trình độ cao hơn.

Giáo dục nghề nghiệp gồm các cấp trình độ: cao đẳng, trung cấp và sơ cấp; ngoài các trình độ nêu trên, giáo dục nghề nghiệp còn có các chương trình đào tạo thường xuyên nhằm đáp ứng nhu cầu nhân lực trực tiếp trong sản xuất, kinh doanh và dịch vụ.

2. Điều kiện và thời gian đào tạo

a) Sơ cấp: có trình độ học vấn, sức khỏe phù hợp với nghề học, thời gian đào tạo từ 03 tháng đến dưới 1 năm học.

b) Trung cấp: học sinh đã tốt nghiệp trung học cơ sở và tương đương trở lên, thời gian đào tạo từ 1-2 năm tùy theo ngành/nghề; các trường trong tỉnh đào tạo từ 1,5-2 năm. Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở, nếu có nguyện vọng học tiếp lên trình độ cao đẳng thì phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

c) Cao đẳng:

- Học sinh đã tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương, thời gian đào tạo từ 2-3 năm tùy theo ngành/nghề;

- Người có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp cùng ngành/nghề đào tạo và có bằng tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc đã học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo, thời gian đào tạo từ 1-2 năm tùy theo ngành/nghề;

- Học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở nhưng có nguyện vọng học liên thông lên trình độ cao đẳng phải học và thi đạt yêu cầu các môn văn hóa trung học phổ thông theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo và có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp.

Ngoài ra, còn đào tạo dưới 3 tháng, có thời gian thực học từ 100 giờ đến dưới 300 giờ.

3. Quyền lợi

3.1. Học sinh ở xa được ở ký túc xá của trường.

3.2. Vay vốn học tập theo chính sách tín dụng đối với học sinh, sinh viên.

3.3. Học sinh sau khi tốt nghiệp trung cấp, cao đẳng được:

- Giới thiệu việc làm tại các cơ quan, doanh nghiệp, trường học, đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng;

- Học liên thông lên cao đẳng, đại học.

  1. Các chính sách hỗ trợ đào tạoHỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng; Miễn giảm học phí trình độ trung cấp, cao đẳng; Nội trú; Hỗ trợ đào tạo người hoàn thành nghĩa vụ; Hỗ trợ đào tạo lao động thuộc hộ bị thu hồi đất; Hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 thang cho lao động hưởng trợ cấp thất nghiệp.

1. Chính sách hỗ trợ đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 03 tháng

1.1. Đối tượng được hỗ trợ

Người trong tuổi lao động (nam từ 15-60, nữ từ 15-55 tuổi) có hộ khẩu thường trú tại Tiền Giang, gồm:

- Nông thôn (các xã);

- Thành thị: phụ nữ, người khuyết tật, người trực tiếp làm nông nghiệp và người thuộc hộ bị thu hồi đất nông nghiệp;

- Lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và có đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề.

1.2. Mức hỗ trợ hiện nay

1.2.1. Mức hỗ trợ học phí

a) Người khuyết tật: được hỗ trợ học phí tối đa 06 triệu đồng/người/khóa học và hỗ trợ tiền ăn, đi lại.

b) Người thuộc hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn: được hỗ trợ học phí tối đa 04 triệu đồng/người/khóa học và hỗ trợ tiền ăn, đi lại.

c) Người thuộc dân tộc thiểu số, người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người thuộc hộ nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm: được hỗ trợ học phí tối đa 03 triệu đồng/người/khóa học và hỗ trợ tiền ăn, đi lại.

d) Người thuộc hộ cận nghèo: được hỗ trợ học phí tối đa 2,5 triệu đồng/người/khóa học và hỗ trợ tiền ăn, đi lại.

đ) Người học là phụ nữ, lao động nông thôn nông không thuộc các đối tượng quy định tại các điểm a, b, c, d nêu trên: được hỗ trợ học phí tối đa 2,0 triệu đồng/người/khóa học.

e) Riêng ngư dân học các nghề: Vận hành tàu vỏ thép, tàu vỏ vật liệu mới, kỹ thuật khai thác, bảo quản sản phẩm theo công nghệ mới đối với tàu có tổng công suất máy chính từ 400CV trở lên được hỗ trợ 100% chi phí đào tạo và thực hiện theo quy định tại Nghị định của Chính phủ.

g). Lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp và có đủ điều kiện được hỗ trợ học nghề theo quy định, mức hỗ trợ tối đa 1.000.000 đồng/người/tháng và không quá 6 tháng.

1.2.2. Mức hỗ trợ tiền ăn, đi lại

a) Đối tượng được hỗ trợ tiền ăn, đi lại: người thuộc diện được hưởng chính sách ưu đãi người có công với cách mạng, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số, người thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo, người thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất nông nghiệp, đất kinh doanh, lao động nữ bị mất việc làm.

b) Mức hỗ trợ

- Tiền ăn: 30.000 đồng/người/ngày thực học;

- Tiền đi lại: 200.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo xa nơi cư trú từ 15 km trở lên. Riêng đối với người khuyết tật và người học cư trú ở xã thuộc vùng khó khăn hoặc đặc biệt khó khăn thì mức hỗ trợ tiền đi lại: 300.000 đồng/người/khóa học nếu địa điểm đào tạo xa nơi cư trú từ 05 km trở lên.

Xem chi tiết tại:

 - Quyết định 46/2015/QĐ-TTg

 - Công văn 3047/UBND-KGVX

 - Quyết định số 77/2014/QĐ-Ttg

2. Chính sách miễn, giảm học phí đối với học sinh, sinh viên học trình độ trung cấp, cao đẳng

2.1. Miễn học phí:

- Con của người có công với cách mạng;

- Người khuyết tật thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo;

- Từ 15-22 tuổi không có nguồn nuôi dưỡng đang được hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng;

- Người dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo;

- Tốt nghiệp trung học cơ sở học tiếp lên trình độ trung cấp.

2.2. Giảm học phí:

- Giảm 50% học phí đối với con cán bộ, công nhân, viên chức mà cha hoặc mẹ bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp được hưởng trợ cấp thường xuyên;

- Giảm 70% học phí đối với học sinh, sinh viên học các ngành nghệ thuật truyền thống, nghề học nặng nhọc, độc hại.

Xem chi tiết tại:

         - Nghị định 86/2015/NĐ-CP

         - Thông tư liên tịch số 09/2016/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC

3. Chính sách nội trú

3.1. Đối tượng: học sinh, sinh viên là người khuyết tật, học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo học trung cấp, cao đẳng có hộ khẩu thường trú tại các vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn học tại các trường trung cấp, cao đẳng (không bắt buộc phải ở nội trú trong trường). Hiện nay, tỉnh Tiền Giang có 11 xã thuộc vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn, gồm:

- Cả huyện Tân Phú Đông (6 xã);

- 3 xã thuộc huyện Gò Công Đông: Gia Thuận, Kiễng Phước và Phước Trung;

- 2 xã thuộc thị xã Gò Công: Bình Xuân và Bình Đông.

  1. Mức hỗ trợ: trong thời gian học, hàng tháng học sinh, sinh viên được hưởng học bổng bằng 80% mức lương cơ sở đối với học sinh, sinh viên là người khuyết tật và 60% mức lương cơ sở đối với học sinh, sinh viên thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo (hiện nay khoảng 1 triệu 40 ngàn đồng và 780 ngàn đồng).

Xem chi tiết tại:

- Quyết định số 53/2015/QĐ-TTg

- Thông tư liên tịch số 12/2016/TTLT-BLĐTBXH-BGDĐT-BTC

- Công văn số 1497/SLĐTBXH-DN

4. Chính sách đào tạo nghề nghiệp đối với người hoàn thành nghĩa vụ

4.1. Đối tượng: Thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an, thanh niên tình nguyện hoàn thành nhiệm vụ thực hiện chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội thì được hưởng chính sách đào tạo nghề nghiệp:

4.2. Chính sách hỗ trợ:

- Đào tạo nghề trình độ sơ cấp: thanh niên được cấp thẻ đào tạo nghề có giá trị tối đa bằng 12 tháng tiền lương cơ sở tại thời điểm đào tạo và có giá trị sử dụng trong 1 năm kể từ ngày cấp.

- Đào tạo nghề trình trung cáp cao đẳng: miễn, giảm học phí khi thuộc đối tượng quy định tại Nghị định 86/2015/NĐ-CP.

Xem chi tiết tại:

                         - Thông tư số 43/2016/TT-BLĐTBXH

                        - Công văn số 597/SLĐTBXH-DN

5. Chính sách đào tạo nghề nghiệp đối với người lao động thuộc hộ bị thu hồi đất

5.1. Đối tượng:

- Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất nông nghiệp theo quy định tại các Điểm a, b, c và d Khoản 1 Điều 19 của Nghị định số 47/2014/NĐ-CP (trừ trường hợp hộ gia đình, cá nhân là cán bộ, công nhân viên của nông trường quốc doanh, lâm trường quốc doanh đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp) khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp mà được bồi thường bằng tiền đối với diện tích đất nông nghiệp thu hồi;

- Người lao động thuộc hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất ở kết hợp kinh doanh, dịch vụ mà phải di chuyển chỗ ở.

5.2. Điều kiện hỗ trợ: các đối tượng trên khi hội đủ các điều kiện sau đây

- Có nhu cầu đào tạo nghề nghiệp, giải quyết việc làm;

- Trong độ tuổi lao động.

Người lao động bị thu hồi đất được hưởng chính sách hỗ trợ trong thời hạn 5 năm kể từ ngày có Quyết định thu hồi đất.

5.3. Hỗ trợ đào tạo: Người lao động bị thu hồi đất được hỗ trợ đào tạo một lần.

- Đào tạo trình độ sơ cấp, dưới 3 tháng: được hỗ trợ theo quy định tại Quyết định số 46/2015/QĐ-TTg.

- Đào tạo cao đẳng, trung cấp: được hỗ trợ học phí cho một khóa học.

Xem chi tiết tại:

                         - Quyết định số 63/2015/QĐ-TTg

           - Công văn số 881/SLĐTBXH-DN

Điện thoại hỗ trợ
Giới thiệu việc làm, Làm việc ở nước ngoài: 02733.874.694 - 0916.414.950 (Hotline); Bảo hiểm thất nghiệp: 02733.977.785 - 02733.856.874.
phongtuvan123@gmail.com





  • TRUNG TÂM DỊCH VỤ VIỆC LÀM TỈNH TIỀN GIANG
  • Địa chỉ: Số 30, Đinh Bộ Lĩnh, Phường 2, TP. Mỹ Tho, Tiền Giang
  • Số điện thoại: Giới thiệu việc làm, Làm việc ở nước ngoài: 02733.874.694 - 0916.414.950 (Hotline); Bảo hiểm thất nghiệp: 02733.977.785 - 02733.856.874.
  • Địa chỉ Email: phongtuvan123@gmail.com
  • Tổng cộng lượt truy cập: 1422625
  • Đang online: 11